Cụ thể, mức tăng chủ yếu vẫn tập trung ở các nhóm hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, đồ dùng gia đình. Đặc biệt nhóm du lịch tăng mạnh 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được đẩy mạnh nhằm ngăn chặn các hành vi tăng giá bất hợp lý, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Các mặt hàng nông sản, thực phẩm sản xuất thuận lợi, nguồn cung tăng, giá giảm, riêng đối với mặt hàng thịt lợn do chịu ảnh hưởng bởi thời tiết mưa nhiều khiến giá thịt lợn tiếp tục tăng so với tháng trước và so cùng kỳ năm 2017.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 7 đầu năm đạt 371.451 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo Bộ Công Thương, diễn biến thị trường năm 2018 được dự báo sẽ ít có những biến động bất thường, các yếu tố về nguồn cung vẫn được bảo đảm (giá tăng do giá thế giới, tỷ giá, chi phí nhiên liệu… nhưng sẽ được kiểm soát từ phía Nhà nước), các yếu tố từ phía cầu (thu nhập, niềm tin của người tiêu dùng) cũng khả quan.
Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, thị trường trong nước cũng chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố như thị trường hàng hóa sẽ chịu tác động của các yếu tố như giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng, nông sản trên thị trường thế giới biến động khá mạnh, nhu cầu tiêu thụ điện, nước sinh hoạt, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng. Giá thịt lợn liên tục duy trì ở mức giá cao cũng gây ảnh hưởng đến thị trường.
Bộ Công thương sẽ xem xét tình hình,
xây dựng kế hoạch tạo điều kiện cho nhập khẩu thịt lợn (chủ yếu cung cấp lượng thịt phục vụ cho chế biến) nhằm bù đắp nguồn cung thiếu hụt trong ngắn hạn và giữ giá thịt lợn không tăng.
Dự kiến, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2018 sẽ đạt khoảng 4.269 – 4.288 nghìn tỷ đồng, tăng 10 – 10,5% so với năm 2017.
Theo Đinh Phương/thuongtruong.com.vn