Vi-Mart Vi-Mart

Thị trường bán lẻ Việt Nam: Sức nóng đang tăng

Mặc dù Việt Nam không còn nằm trong Top 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới, nhưng việc nhiều tập đoàn bán lẻ nước ngoài đẩy mạnh mở rộng hệ thống phân phối đang tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt giữa doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với DN trong nước.

Cuộc chạy đua trong hệ thống bán lẻ 
Trong tháng 3/2014, Tập đoàn bán lẻ Central Group (Thái Lan) sẽ khai trương chuỗi siêu thị Robinsons Department Store với diện tích 10.000m2 tại khu mua sắm Royal City (Hà Nội). Dự kiến, trong năm 2014, tập đoàn này sẽ tiếp tục khai trương chuỗi siêu thị thứ 2 tại TP Hồ Chí Minh.

Trước đó, tháng 1/2014, nhà bán lẻ Nhật Bản Aeon Mall đã khai trương trung tâm mua sắm Aeon Mall Tân Phú Celadon tại TP Hồ Chí Minh. Dự kiến tháng 10/2014, Aeon Mall cũng sẽ đưa vào hoạt động trung tâm mua sắm thứ hai tại Bình Dương. Không chịu thua kém, Tập đoàn Lotte Mart (Hàn Quốc) đã có kế hoạch phát triển tiếp khoảng 60 siêu thị. Tập đoàn Berli Jucker của Thái Lan đã hợp tác với Family Mart Việt Nam lập chuỗi bán lẻ B’mart từ tháng 1/2014. Trong khi đó, để giữ vững thị phần, các DN trong nước cũng đang đẩy mạnh phát triển hệ thống siêu thị, để từ đó khẳng định vị thế tại sân nhà. Ông Nguyễn Thành Nhân – Giám đốc chuỗi siêu thị Co.opmart cho biết: Hiện Saigon Co.op đã có 69 Siêu thị Co.opmart trên cả nước. Không chỉ đầu tư vào hệ thống bán lẻ, Saigon Co.op còn liên doanh với Tập đoàn NTUC FairPrice (Singapore) phát triển hệ thống đại siêu thị chuyên bán buôn thương hiệu Co.opXtra plus và Co.opXtra. Tháng 5/2013, Saigon Co.opmart đã khai trương Siêu thị Co.opXtra plus Thủ Đức có tổng diện tích 15.000m2, với khoảng 50.000 mặt hàng, tổng vốn đầu tư khoảng 200 tỷ đồng.

Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm tại siêu thị Hà Nội. 

Nhiều DN thương mại trong nước cũng đã có kế hoạch phát triển hệ thống phân phối theo hướng kết hợp giữa siêu thị với cửa hàng tiện ích để tiết giảm chi phí đầu tư. Ông Phạm Hà Đông – Tổng Giám đốc Intimex cho biết: Trong thời gian tới, DN sẽ tập trung vào những siêu thị diện tích dưới 2.000m2², đồng thời đẩy mạnh mở các cửa hàng tiện ích. Hệ thống siêu thị Citimart mặc dù đã có 26 siêu thị nhưng cũng có kế hoạch từ nay đến hết năm 2015 mở thêm 70 điểm bán có quy mô 1.000 – 2.000m2².

Vẫn còn nhiều việc phải làm

Mặc dù đã đẩy mạnh phát triển hệ thống bán lẻ nhưng trên thực tế, các DN trong nước vẫn đang có nguy cơ bị thôn tính ngay trên chính “sân nhà.” Thực trạng này xuất phát từ nguyên nhân, DN Việt Nam vốn “mỏng”, chưa DN nào có vốn trên 100 triệu USD, việc liên kết giữa các DN bán lẻ còn khá lỏng lẻo.Nhằm hỗ trợ DN bán lẻ trong nước phát triển, Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ xây dựng chính sách hỗ trợ DN trong việc phát triển hệ thống bán lẻ, như: Đào tạo năng lực quản lý, kỹ năng bán hàng, xây dựng thương hiệu… Thực tế cho thấy, thời gian qua, Bộ Công Thương đã đưa ra chính sách khuyến khích DN trong nước liên doanh với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài lập cơ sở bán lẻ tại Việt Nam, qua đó tiếp thu trình độ quản lý và công nghệ tiên tiến.Để có thể tiếp tục phát triển hệ thống bán lẻ, nhiều DN thương mại cho rằng, Bộ Công Thương cần có quy hoạch phát triển hệ thống thương mại hiện đại gắn liền với phát triển kinh tế vùng, miền. Trong đó phải quy định cụ thể khoảng cách các đại siêu thị, siêu thị, trung tâm bán buôn để bảo đảm cho hệ thống bán lẻ phát triển. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ DN trong nước về địa điểm và mặt bằng bán lẻ nhằm nâng cao sức cạnh tranh. Và để hỗ trợ DN bán lẻ trong nước phát triển, Nhà nước cần sớm hoàn thiện chính sách, luật pháp về mở cửa thị trường, dịch vụ phân phối, nhất là xây dựng một chiến lược tổng thể phát triển hệ thống bán lẻ. Để tránh tình trạng thiếu nhất quán trong việc phát triển hệ thống bán lẻ, Nhà nước cần đẩy nhanh việc cụ thể hóa quy định kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT).

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả, các DN bán lẻ trong nước thay vì “đối đầu” với các nhà bán lẻ nước ngoài cũng nên chú trọng phát triển lợi thế cạnh tranh riêng bằng cách tập trung phát triển hệ thống phân phối có quy mô vừa và nhỏ. Hệ thống bán lẻ này cần bám theo địa bàn dân cư không chỉ ở thành thị, mà cả ở những vùng nông thôn. Đồng thời, cần đẩy mạnh hoạt động liên kết với DN sản xuất và cung cấp hàng hóa, qua đó góp phần giảm chi phí và tăng sức cạnh tranh.

(Theo ktdt.com.vn)