Vi-Mart Vi-Mart

Thị trường bán lẻ Việt Nam: Liên kết để phát triển

Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường bán lẻ của Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng, sức hút đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tiềm năng lớn

Mặc dù ngành bán lẻ hiện đại mới chỉ phát triển ở giai đoạn đầu nhưng đã góp phần đáng kể vào tăng tưởng kinh tế của đất nước. Theo đó, trung bình mỗi năm, các nhà bán lẻ đóng góp vào GDP của cả nước khoảng 14%. Đến năm 2014, mức đóng góp của ngành này vào GDP sẽ tăng lên mức 23%.
Hiện dân số nước ta đã lên đến 90 triệu người, lại chủ yếu là dân số trẻ, 70% thu nhập dành cho mua sắm.

Tiềm năng bán lẻ

Thị trường bán lẻ Việt Nam còn nhiều tiềm năng để các doanh nghiệp
phát triển.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho biết, thông thường cứ 100.000 người dân đòi hỏi có một trung tâm thương mại, một trung tâm mua sắm lớn; 10.000 người dân cần có 1 siêu thị; 1.000 người dân cần đến 1 – 2 cửa hàng tiện lợi. Tuy nhiên, ngay cả các đô thị lớn của Việt Nam như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội cũng chưa đáp ứng được đòi hỏi này. Ngoài ra, có hơn 70% dân cư sống ở khu vực nông thôn, nhưng ở đây hệ thống phân phối, bán lẻ vẫn còn khá nghèo nàn, chưa đáp ứng được yêu cầu… Vì vậy, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng trống cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo thống kê, hiện cả nước có 717 cửa hàng bán lẻ hiện đại, 8.600 chợ truyền thống. Theo quy hoạch của Bộ Công Thương đến năm 2020, cả nước sẽ có 1.200 siêu thị, 157 trung tâm mua sắm và 180 trung tâm thương mại. Lúc đó, tỷ trọng bán lẻ hiện đại sẽ đạt gần 45%. Điều này cho thấy, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn còn khá nhiều tiềm năng để khai thác.

“Mặc dù bị ảnh hưởng chung của suy thoái kinh tế nhưng trong 9 tháng qua, cả nước có hơn 11.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, trong đó các doanh nghiệp bán lẻ chiếm khoảng 30%. Con số này phần nào cho thấy doanh nghiệp bán lẻ đang lạc quan hơn vào thị trường, đặc biệt là thị trường bước vào mùa mua sắm cuối năm”, bà Loan cho biết thêm.

Tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp nội

Theo thống kê của Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, hiện có 21 doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực này. Các doanh nghiệp trong nước dù có số lượng nhiều hơn nhưng đa phần là doanh nghiệp nhỏ lẻ, rất ít doanh nghiệp có đủ sức cạnh tranh với các đối thủ ngoại. Theo bà Loan, điểm yếu của các doanh nghiệp bán lẻ trong nước là tính chuyên nghiệp chưa cao, giá cả thiếu cạnh tranh, nguồn hàng chưa phong phú, đa dạng, mức độ kiểm soát chất lượng hàng hóa chưa đáp ứng yêu cầu, hệ thống kênh phân phối chưa tương xứng với nhu cầu khách hàng vùng nông thôn… Do đó, tầm ảnh hưởng của các doanh nghiệp trong nước trên lĩnh vực này còn rất hạn chế. Đây đang là thách thức lớn đối với các nhà bán lẻ trong nước.

“Để tăng sức cạnh tranh trong thời gian tới, các doanh nghiệp trong nước phải phát huy lợi thế của mình. Đặc biệt, các doanh nghiệp bán lẻ của ta nên tận dụng sự hiểu biết, tình cảm gắn bó lâu dài giữa các nhà bán lẻ trong nước và người tiêu dùng để mở rộng thị phần. Thứ hai, các doanh nghiệp sản xuất phải nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới mẫu mã bao bì để thu hút thêm nhiều khách hàng. Thứ ba, đưa ra các chương trình giảm giá, khuyến mãi… để cải thiện sức mua của người tiêu dùng. Thứ tư, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Bởi muốn phát triển phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực đó không chỉ bán hàng trực tiếp mà còn biết chăm sóc khách hàng, có kỹ năng bán lẻ tốt và phải có các nhà quản trị tốt để định hướng cho sự phát triển của doanh nghiệp”, bà Loan nhận định.

Các chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo, doanh nghiệp trong nước nếu không tự làm mới mình bằng các giải pháp nêu trên thì sẽ khó có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài khi họ có nhiều kinh nghiệm quản lý, có tiềm lực kinh tế mạnh. Thực tế, thị trường bán lẻ Việt Nam đang chứng kiến sự vào cuộc mạnh mẽ của nhiều nhà đầu tư nước ngoài như Casino (Pháp), Metro Cash & Cary (Đức), Lotte (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản) và sắp tới đây là Wall Mart (Mỹ) – một trong 10 nhà bán lẻ lớn nhất thế giới.

Đã đến lúc các doanh nghiệp trong nước cần bắt tay nhau chứ không nên hoạt động theo kiểu mạnh ai nấy làm như hiện nay. Có như vậy, các doanh nghiệp nội mới hy vọng chiến thắng trong việc thu hút khách hàng về phía mình.

Theo baomoi.com